Huyện Hoằng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 20 sản phẩm nông nghiệp được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đánh giá, xếp hạng 17 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia. Năm 2022, huyện có 3 sản phẩm phải đánh giá lại, gồm: nước mắm, mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (xã Hoằng Phụ). Tuy nhiên, sản phẩm mắm tôm đã được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, do đó bên cạnh việc xây dựng kế hoạch phát triển mới sản phẩm OCOP, huyện cũng xây dựng thông báo, gặp gỡ và hướng dẫn chủ thể tham gia đánh giá lại sản phẩm OCOP đối với 2 sản phẩm nước mắm và mắm tép.
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, cho biết: “Chứng nhận sao OCOP không chỉ là danh hiệu công nhận cho chất lượng sản phẩm mà còn là tấm vé thông hành để các sản phẩm của chúng tôi có mặt tại nhiều hệ thống tiêu dùng thông minh, những siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu tới một số thị trường quốc tế theo đường chính ngạch. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chứng nhận sao OCOP đối với các sản phẩm nên khi đến hạn 36 tháng, công ty đã chủ động liên hệ với huyện, đơn vị quản lý Chương trình OCOP của tỉnh để đăng ký, đánh giá, xếp hạng lại cho 2 sản phẩm được công nhận 4 sao cấp tỉnh theo Quyết định số 5445/QĐ-UBND ngày 23-12-2019 của UBND tỉnh”. Được biết, sau hơn 3 năm được công nhận, các sản phẩm nước mắm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã phát triển về quy mô sản xuất, sức tiêu thụ và doanh thu. Công ty đã chú trọng đầu tư về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất, phát triển website…, xây dựng thành những sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Tại hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP , đợt 1 năm 2023, 2 sản phẩm của công ty đã được hội đồng thống nhất tiếp tục đạt chất lượng 4 sao.
Theo Quyết định số 5445/QĐ-UBND ngày 23-12-2019 của UBND tỉnh, 13 sản phẩm OCOP đầu tiên của Thanh Hóa được công nhận và có giá trị chứng nhận sao OCOP trong thời gian 3 năm từ ngày quyết định. Như vậy, tính đến cuối năm 2022, các sản phẩm nói trên đã đủ thời gian 36 tháng. Tuy nhiên, sản phẩm mắm tôm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia được công nhận 5 sao quốc gia nên 12 sản phẩm còn lại của tỉnh bắt buộc phải tham gia đánh giá, công nhận lại nếu muốn duy trì chứng nhận OCOP trên thị trường. Tại hội nghị đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2023, chỉ có 9/12 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP, còn 3 sản phẩm là dưa chuột Baby, dưa lưới Taki (sản phẩm 4 sao) của huyện Quảng Xương và rượu Chi Nê (sản phẩm 3 sao) của huyện Hậu Lộc không tham gia đánh giá xếp hạng lại.
Trao đổi với ông Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, huyện Quảng Xương – chủ thể xây dựng 2 sản phẩm OCOP dưa chuột Baby, dưa lưới Taki, được biết: Hiện nay, 2 sản phẩm vẫn được duy trì, phát triển sản xuất và có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Mặc dù công ty đã được địa phương và đơn vị quản lý Chương trình OCOP thông báo, song vì nhiều lý do nên công ty không tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển những sản phẩm mới.