Thạch Thành phát triển cây mía nguyên liệu và sản phẩm OCOP từ mật mía

Để duy trì và phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía phục vụ chế biến của Nhà máy Đường Việt Nam – Đài Loan, huyện Thạch Thành đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía, khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai để phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, huyện xây dựng chuỗi sản xuất liên kết chặt chẽ, bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người trồng mía với doanh nghiệp. Đồng thời, hình thành các tổ hợp tác, HTX liên kết với doanh nghiệp đầu tư phát triển cánh đồng lớn trồng mía ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm… Đi đôi với đó, vào vụ ép của những năm gần đây, huyện yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo, giám sát các thôn, HTX nông nghiệp (chủ hợp đồng), nông hộ có diện tích mía tập trung thu hoạch, vận chuyển bảo đảm theo đúng kế hoạch thu hoạch mía nguyên liệu của nhà máy. Chủ động kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền các trường hợp chủ hợp đồng, nông hộ tự ý bán mía cho đầu nậu.

Huyện Thạch Thành đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch sản xuất mía nguyên liệu vụ ép 2023-2024, phấn đấu diện tích đạt 3.700 ha, trong đó, trồng mới 1.700 ha, lưu gốc 2.000 ha, năng suất đạt 68 tấn/ha trở lên, sản lượng 250 nghìn tấn trở lên. Để đạt kế hoạch về sản xuất mía nguyên liệu đã đề ra, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đấu mối với ban chỉ đạo mía huyện, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan thực hiện ký hợp đồng trồng mía nguyên liệu vụ ép 2022-2023 bảo đảm diện tích huyện giao. Đồng thời, tập trung chỉ đạo việc chăm sóc mía nguyên liệu, chú trọng đầu tư thâm canh để tăng năng suất, sản lượng. Huyện Thạch Thành đề nghị Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan hoàn thành các thủ tục, hướng dẫn quy trình đầu tư, sẵn sàng hỗ trợ nông hộ, HTX về kinh phí đầu tư trả trước, như giống, giải phóng đất, vật tư, phân bón. Các HTX nông nghiệp (chủ hợp đồng) bám sát chính sách mía vụ ép 2022-2023 của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan để tham mưu cho UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể về diện tích sản xuất mía nguyên liệu, tổ chức ký hợp đồng với công ty bảo đảm diện tích huyện, xã giao.

Đi đôi với đó, để phát huy nghề làm mật truyền thống từ cây mía, huyện Thạch Thành chỉ đạo các xã, thị trấn vận động, định hướng để Nhân dân cải tạo vườn tạp, tận dụng đất ven đồi… trồng mía (diện tích này không ký hợp đồng với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan) phục vụ chế biến mật mía. Qua đó, nhiều gia đình tiếp tục có điều kiện duy trì, phát triển nghề chế biến mật mía truyền thống, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát để việc sản xuất mật mía bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, thành lập HTX, tổ hợp tác, xây dựng sản phẩm OCOP để phát triển sản phẩm mật mía nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, sản phẩm mật mía của huyện Thạch Thành đã khẳng định được thương hiệu và tiêu thụ ngày càng tăng trên thị trường. Trong đó, phải kể đến việc thành lập HTX mật mía Thạch Sơn và xây dựng thành công sản phẩm mật mía Đồng Hương Thạch Sơn đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Bà Tào Thị Cúc, giám đốc HTX mật mía Thạch Sơn, cho biết:

Gia đình tôi từ ông bà, bố mẹ đến nay đều làm nghề chế biến mật mía. Bản thân tôi có thâm niên chế biến mật mía hơn 20 năm và học hỏi được nhiều kinh nghiệm, bí quyết chế biến mật mía từ ông bà, bố mẹ. Trải qua thăng trầm của thời gian, từ ép nước mía bằng cây gỗ và dùng sức trâu bò, rồi đến ép bằng máy nổ và hiện nay dùng mô tơ điện để ép nước mía phục vụ chế biến mật mía. Để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho mật mía Đồng Hương Thạch Sơn, được sự quan tâm của xã, của huyện, nhất là hướng dẫn của cán bộ chuyên môn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thành, HTX đã thực hiện các bước phát triển sản phẩm mật mía. Đi đôi với đó, được sự quan tâm của chính quyền và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạch Sơn, tôi đã đứng ra thành lập HTX mật mía Thạch Sơn, gồm 7 thành viên, với mong muốn góp phần phát triển cây mía nguyên liệu trên địa bàn thôn Đồng Hương, cũng như vùng lân cận, phục vụ chế biến mật mía, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Về nguyên liệu, 100% nguồn gốc địa phương (chủ yếu nguyên liệu cây mía đứng do các thành viên của HTX trồng, sản xuất và cung cấp cho HTX, với tổng diện tích hơn 125 ha). HTX đã xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ của huyện, tỉnh và xây dựng website: htxthachson.com để quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm. Đồng thời, có đại lý phân phối tại TP Thanh Hóa, các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Triệu Sơn, cũng như Hà Nội…

Shopping cart

0
image/svg+xml

No products in the cart.

Continue Shopping